Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Làm cách nào để tránh mắc vào các lỗi PPC phổ biến?

Dù bạn chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về PPC hay đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, thì chắc hẳn là bạn đã từng mắc phải vài lỗi cơ bản có phải không? Nhưng không sao cả vì không có ai là hoàn hảo!

Ngay cả bản thân những chuyên gia PPC cũng từng ít nhất một lần mắc phải lỗi nào đó. Cho dù lỗi đó có nghiêm trọng hay không thì tốt hơn chúng ta vẫn nên tìm hiểu và khắc phục để tránh lặp lại sai phạm vào lần tới.

Vì thế hôm nay chúng tôi sẽ liệt kê một loạt những lỗi phổ biến nhất liên quan đến PPC, và bạn có thể áp dụng như một checklist để tránh mắc lỗi vào lần tới.

Đặt mục tiêu và giá thầu sai.

Chọn mục tiêu chính xác là phần rất quan trọng để có một chiến lược PPC thành công. Nếu bạn áp dụng đối tượng mục tiêu có sẵn từ chiến dịch cũ vào chiến dịch mới thì chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả.

Khi chọn sai đối tượng mục tiêu sẽ khiến kết quả đạt được không như mong muốn, đó là lý do vì sao bạn cần phải cẩn thận khi chọn lựa đối tượng khách hàng.

Chẳng hạn như bạn có thể thu hẹp lượng đối tượng bằng cách lựa chọn “mục tiêu và giá thầu”. Lựa chọn này cho phép bạn tiếp cận những đối tượng nằm trong danh sách mục tiêu mà không lãng phí nguồn tài chính vào những người dùng không đạt tiêu chuẩn. Vậy mà có nhiều người vẫn bỏ qua chiến thuật này và lựa chọn “chỉ giá thầu” khiến cho lượng truy cập thấp đi nhưng lại phải trả rất nhiều chi phí quảng cáo.

Giải pháp: Lập kế hoạch cho lượng đối tượng mà bạn nhắm đến, kiểm tra 2 lần mọi lựa chọn để chắc rằng bạn tối ưu lượng khách hàng một cách tốt nhất. Theo dõi chiến dịch ngay từ đầu để xem xét những kết quả về sau.

Sử dụng từ khóa sai

Hầu hết các chuyên gia PPC đều tập trung vào từ khóa để tìm ra các cơ hội thành công. Còn bạn, bao lâu thì bạn đánh giá chiến lược từ khóa một lần?

Thông thường, đa số đều cho rằng những chiến thuật nhất định chắc hẳn sẽ dưa ra kết quả tốt hơn, nhưng đánh giá trước kết quả vẫn là điều cần thiết.

Chẳng hạn như, bạn tập trung sử dụng rất nhiều từ khóa. Đây có thể là một ý hay, nhưng đồng thời cũng là một lựa chọn đắt đỏ. Bạn có thể thử sử dụng từ khóa đuôi dài để tiết kiệm chi phí mà vẫn có thể cải thiện được kết quả trong ngành công nghiệp cạnh tranh hiện nay.

Một sai lầm phổ biến khác là bỏ qua các từ khóa phủ định. Rất nhiều người quên mất điều này, nhưng từ khóa phủ định cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch của bạn. Chúng được dùng để lọc các từ khóa không cần thiết, giúp tránh đi những cú nhấp chuột không mong muốn.

Quan trọng hơn là nhiều công ty quên đặt giá thầu cho các từ khóa mang thương hiệu của riêng họ. Nghe có vẻ khó hiểu và dư thừa, nhưng thử nghĩ xem nếu đối thủ cạnh tranh đặt giá thầu cho từ khóa của thương hiệu bạn thì bạn sẽ bỏ mất những khách hàng tiềm năng, người muốn tìm hiểu thêm về doanh nghiệp của bạn.

Giải pháp: Hãy kiểm tra thật kĩ những từ khóa mà bạn chọn và tìm xem từ khóa nào mang lại lợi ích cao nhất.

Thông điệp không đồng nhất.

Một chiến lược PPC tốt thường đi kèm với một trang đích hay. Tuy nhiên, rất nhiều người thiết kế trang đích khác hẳn với trang quảng cáo PPC, điều này dẫn đến xảy ra mâu thuẫn về:

  • Thiết kế.

  • Thông tin.

  • Tập trung vào các mục tiêu khác nhau.

  • Cảm nhận khác nhau.

Thông thường, trang đích nên là một trang thông tin chi tiết của trang quảng cáo PPC. Nó cần phải có cùng thiết kế, trải nghiệm người dùng cho đến thương hiệu, thông điệp và KPI.

Ví dụ, bạn không thể tạo một chiến dịch PPC với mục đích tăng năng suất bán hàng mà trang đích lại không hề có lựa chọn mua sắm nhanh.

Tương tự, bạn không thể nhắm vào lượng khách hàng trẻ tuổi mà không thử nghiệm trang đích trước.

Những lỗi này cũng ảnh hưởng đến Chất lượng Điểm của bạn với Google khi xét về mức độ liên quan của trang quảng cáo và trang đích. Điều này dẫn đến nguy cơ phải chi trả nhiều hơn để có thể thể tiếp cận được đối tượng bạn mong muốn, đây là một sai lầm mà chắc hẳn bạn không hề muốn mắc phải trong tương lai.

Khi nói đến thông điệp, quảng cáo PPC không nên lừa khách hàng bằng cách dẫn dụ họ nhấp vào một thứ không hề liên quan, mà bạn nên tạo ra một chuỗi thông điệp mang giá trị lợi ích cho các bước tiếp theo. Đây là cách khai thác tâm lý người dùng, kết hợp trải nghiệm của họ vào quảng cáo và tạo ra kết quả tốt nhất.

Giải pháp: Lần tới, khi bạn chuẩn bị tạo trang đích thì trước tiên hãy so sánh nó với trang quảng cáo PPC, chắc rằng thông tin và thiết kế đều đồng nhất. Dùng trang đích để dẫn người xem vào một chuyến hành trình mà đích đến chính là mục tiêu mà bạn mong muốn.

Tổng quan

Tóm lại, cách tốt nhất để tránh phạm phải những lỗi PPC phổ biến là tối ưu hóa chiến lược dựa theo mong muốn của bạn. Tập trung vào mục tiêu để đưa ra đối tượng, giá thầu, ngân sách và thông tin hợp lý.

Điều quan trọng nhất chính là hiểu được những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến chiến lược PPC từ đó hạn chế lại những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.

#lỗi PPC


Checklist gồm 12 điều cần có để thiết kế Landing Page cho quảng cáo PPC

Sở hữu một Landing Page hay chính là yếu tố thiết yếu cho bất kì chiến dịch PPC nào. Còn việc thu hút người xem nhấn vào quảng cáo chỉ là bước đầu tiên thôi.

Khi đó bạn phải chắc rằng Landing Page của bạn hội tụ đủ những yếu tố mà khách hàng kỳ vọng, và bạn phải làm mọi cách có thể để chuyển hóa những cú nhấp chuột đó thành một cuộc giao dịch.

Một Landing Page cung cấp được những thông tin liên quan đến nhu cầu của người tìm kiếm và thực hiện giao dịch sẽ được Google đánh giá Điểm chất lượng tốt hơn, đồng thời nó cũng tác động đến thứ hạng quảng cáo, giá thầu, vị trí quảng cáo và tiêu chuẩn cho các quảng cáo mở rộng nhất định.

Đương nhiên, Google sẽ không cho bạn biết cách chính xác để tính Thứ hạng quảng cáo và Điểm chất lượng. Nhưng về nguyên tắc đánh giá chất lượng chung, một trang quảng cáo chất lượng cần tối ưu hóa hiệu suất của Landing Page đồng thời vẫn đáp ứng tiêu chí của Google.

Mục tiêu của Landing Page

Các mục tiêu tiêu biểu bao gồm:

·        Chuyển đổi các cú nhấp chuột thành doanh số hoặc đăng ký bằng cách ngay lập tức bán được hàng hóa hoặc tạo ra khách hàng tiềm năng trong tương lai.

·        Thu thập dữ liệu khách hàng để lập danh sách Email hoặc dùng làm dữ diệu cho bộ phận marketing.

Phần lớn các khách hàng truy cập vào Landing Page không có ý định mua hàng. Vì vậy chúng ta nên quan tâm đến những mục tiêu phụ như giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ công ty, nâng cao nhận thức chung của khách hàng.

1. Sử dụng Landing Page nào cho phù hợp?

Có 2 loại Landing Page – Một là Landing Page riêng biệt và hai là những Landing Page được tích hợp vào website chính. Chúng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Landing Page được tích hợp vào web chính thường hiệu quả hơn vì chúng được tạo như một phần thiết kế của website.

Chỉ có một nhược điểm là khách hàng dễ bị phân tâm, không tập trung vào mục đích mua hàng dẫn đến khó đạt được mục tiêu hơn các Landing Page riêng biệt.

Ví dụ: Landing Page từ trang Intelink này được tích hợp vào web chính, nhưng tổng thể lại không tập trung vào Landing Page.

 

Tuy nhiên, những Landing Page tích hợp vào web chính có thể phù hợp với một số truy vấn chung. Chẳng hạn như khách hàng tìm mua “điện thoại” hay “Tivi” sẽ tìm vào một trang danh mục gồm một loạt sản phẩm (như trang điện máy Nguyễn Kim này), như vậy sẽ tiện lợi hơn là chỉ tập trung vào Landing Page.

Các Landing Page riêng biệt thường được tạo riêng cho những chiến dịch đang nổi. Lợi ích của các trang này chính là chúng đơn giản hơn và chú trọng hơn vào giao dịch hàng hóa.

Định dạng này giúp mang lại nhiều hiệu quả hơn nhưng cũng có một số hạn chế. Đó là cần rất nhiều nổ lực và chi phí để tạo và duy trì các Landing Page riêng biệt. Đồng thời còn có các vấn đề liên quan đến SEO – vì các trang này không được tích hợp vào web chính nên khi người dùng tìm kiếm thông tin trên web chính, Landing Page sẽ không được hưởng lợi.

Một giải pháp có thể thực hiện chính là kết hợp cả hai – tạo ra một phiên bản tối ưu hóa các trang hiện có, hoặc sử dụng trang chủ làm Landing Page và điều chỉnh thông điệp chò phù hợp.

2. Tạo Landing Page phải liên quan với trang quảng cáo PPC.

Những người nhấp vào các trang quảng cáo PPC thường có nhu cầu mua hàng cao hơn những người chỉ truy cập các website chung, và Landing Page bắt buộc phải thỏa mãn kỳ vọng của khách hàng.

Nếu một người nhấp vào quảng cáo điện thoại Iphone 7, họ cần thấy được những thông tin, hình ảnh đúng với thắc mắc của họ, giá cả, và phương thức mua hàng như thế nào.

Khách hàng sẽ nhanh chóng quyết định tiếp tục ở lại hay rời trang, và khi một Landing Page có liên quan với trang quảng cáo PPC, tỷ lệ người thoát sẽ giảm xuống đồng thời nhận được tín hiệu tốt từ Google.

3. Sử dụng đồ họa và hình ảnh một cách khôn ngoan

Đồ họa và hình ảnh bạn sử dụng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng, vì thế hãy lựa chọn thật khéo léo.

Đây chính là lúc để thử nghiệm bởi hai hình ảnh khác nhau có thể mang lại kết quả hoàn toàn khác nhau.

4. Cân nhắc xóa tùy chọn điều hướng

Việc xóa đi các tùy chọn điều hướng sẽ giúp loại bỏ phiền nhiễu cho khách hàng, tăng cơ hội thực hiện giao dịch hoặc điền thông tin vào các biểu mẫu.

Tuy nhiên, việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến những người chưa có ý định mua hàng, họ sẽ đi vào “ngõ cụt” mà không duyệt được các phần khác của website.

Giải pháp thỏa đáng nhất là giảm bớt đi số lượng tùy chọn điều hướng khả dụng. Việc này sẽ giúp loại bỏ hầu hết các phiền nhiễu tiềm ẩn mà vẫn để lại đường dẫn đến các phần khác của website.

5. Nên làm gì với những Landing Page cũ?

Các Landing Page thường được sử dụng cho các chiến dịch ngắn hạn và chúng ta sẽ phải quyết định xem nên làm gì với chúng sau khi các chiến dịch kết thúc.

Sử dụng thông báo trang lỗi 404 hoặc chuyển hướng vĩnh viễn 301 là cách để giải quyết vấn đề này, như vậy sẽ tránh được việc khách hàng xem phải các sản phẩm đã lỗi thời hoặc không còn bán nữa.

6. Cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho những người không mua hàng hay đăng ký.

Không phải ai đến Landing Page cũng đều mua hàng hay đăng ký tài khoản hết đâu, vì vậy bạn nên cung cấp thêm lựa chọn cho họ.

Dành cho những người có thắc mắc về sản phẩm hay dịch vụ, hay chỉ đơn giản là họ muốn nói chuyện với ai đó. Hãy đưa ra thông tin chi tiết liên hệ qua kênh bán hàng như số điện thoại, hoặc giải đáp trực tuyến để hỗ trợ họ.

Hoặc trong một vài trường hợp khác, hãy thêm lựa chọn đăng ký bằng email để người dùng có thể nhận được thông báo cập nhật hoặc dẫn đường link đến các phần khác của trang mà có thể họ sẽ thấy hứng thú.

7. Dẫn chứng một số bằng chứng xã hội.

Bằng chứng xã hội gồm có những đánh giá, đề xuất, chứng thực, hoạt động trực tuyến tốt. Hãy khoe chúng lên các Landing Page.

Nếu những dẫn chứng này đến từ các trang mạng nổi tiếng đáng tin cậy như (facebook, google+, twitter,…), thì độ tin tưởng vào uy tín của thương hiệu và trang web sẽ được củng cố tốt hơn.

Đây là một ví dụ điển hình của khách sạn Rex. Tại Landing Page, họ hiển thị chất lượng đánh giá và nhận xét của khách hàng để cho thấy mức độ uy tín của dịch vụ.

8.Thử nghiệm độ dài của trang.

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này và không hề có đáp án nào là sai hay đúng cả. Câu trả lời ngắn gọn như Neil Patel đã nói, “Nó phụ thuộc”

Chiều dài của trang cần phải đủ dài để hiển thị các thông tin cần thiết sao cho khách hàng cảm thấy vừa lòng và thực hiện giao dịch. Nhưng lại không nên quá dài làm họ thấy chán nản.

Có lẽ, đối với những sản phẩm, dịch vụ phức tạp thì một trang thông tin chi tiết dài sẽ phù hợp hơn. Ví dụ: các Landing Page của Apple dành cho các sản phầm IPad và Macbook thường dài và chứa rất nhiều hình ảnh để hỗ trợ cho việc kinh doanh.

9. Kêu gọi hành động (CTA) bài bản.

Có rất nhiều cách để tạo ra một mẫu kêu gọi hành động hiệu quả, và sau đây là một vài điểm đáng chú ý:

·        Dễ tìm. Nếu người dùng phải tự mình đi tìm chiến dịch này thì có vẻ nó đã thất bại rồi đó.

·        Màu sắc. Màu sắc tùy chọn nhưng phải bắt mắt.

·        Vị trí trên trang. Phải đặt ở nơi ai cũng nhìn thấy, hoặc đặt nhiều chỗ khác nhau dọc trên Landing Page.

·        Kích thước. Đủ lớn để đập vào mắt người xem.

·        Từ ngữ. Từ ngữ phải truyền đạt được hành động mà bạn muốn người xem thực hiện.

10. Thân thiện với thiết bị di động

Với gần 70% số lượng người mua hàng bằng thiết bị di động tại Việt Nam, tối ưu hóa Landing Page cho thiết bị di động là không thể thiếu.

Nếu bạn chỉ hiển thị Landing Page dành cho máy tính thì đảm bảo tỉ lệ người thoát ra sẽ tăng lên. Giúp người dùng có trải nghiệm tuyệt vời chính là chìa khóa để doanh nghiệp tăng doanh số.

Ngoài ra còn một điều không kém phần quan trọng nữa, đó chính là đơn giản hóa các Landing Page bằng cách xóa hết các tính tăng không cần thiết để giảm trọng lượng trang.

11. Chắc chắn tốc độ tải nhanh

Landing Page cần tải nhanh vì 2 lý do. Thứ nhất, vì người dùng sẽ thấy khó chịu khi gặp các website tải chậm và có khi họ đã ấn thoát trước khi chúng kịp tải rồi. Thứ hai, Google cũng tính điểm tốc độ tải trang vào mục Chất lượng Điểm nữa đấy, vậy nên tốc độ tải rất là quan trọng!

12. Đo lường, thử nghiệm và cải thiện

Đừng bao giờ ngủ quên trong chiến thắng. Các Landing Page cần được kiểm tra và cải thiện liên tục, nếu không bạn sẽ mau chóng thụt lùi lại phía sau thôi.

#Thiết kế landing page #thiết kế trang đích


Chiến lược nội dung như thế nào để bán được hàng?

Hiện nay, với hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp xuất hiện mỗi năm, tỷ lệ cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, bất cứ ai muốn bán được sản phẩm cũng đều cần phải có chiến lược nội dung. Tuy nhiên để viết được nội dung thu hút, lôi kéo khách hàng không phải là chuyện đơn giản, nếu không nắm chắc được những yếu tố thiết yếu trong tay thì khó lòng có thể thành công được.

Sau đây là những yếu tố cần có:

Không nên “ôm” quá nhiều mặt hàng

Bạn chỉ nên tập trung vào một số loại sản phẩm nhất định, đừng vì muốn mở rộng thị trường mà ôm đồm nhiều mặt hàng khác nhau, nếu không may bạn sẽ rất dễ bị đổ bể trong một thời gian ngắn. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp thành công đều chỉ tập trung vào một số ít sản phẩm hoặc chỉ duy nhất một loại sản phẩm nào đó.

Hiểu rõ sản phẩm và đối thủ

Đương nhiên việc hiểu rõ sản phẩm là điều bắt buộc. Bạn không thể bán một loại sản phẩm mà chính bạn cũng không rõ công dụng của nó là gì, sử dụng làm sao, sản xuất như thế nào,... Nếu ngay cả chính bản thân bạn còn mập mờ về sản phẩm bạn kinh doanh thì làm thế nào để khách hàng tin tưởng bạn đây?

Khi bạn đã hiểu rõ về mặt hàng sản phẩm, bước kế tiếp bạn cần làm là “do thám” đối thủ của mình. Tìm xem với những sản phẩm đó họ viết cái gì để thu hút được khách hàng, những từ khóa nào là sử dụng nhiều nhất, bằng phương pháp nào mà khách hàng tìm đến họ…

Hãy học hỏi và biến hóa, xào nấu những tinh hoa ấy, làm cho nó thành cái riêng của chính bạn.

Đặc biệt là đừng bỏ qua phần “nhận xét sản phẩm” của đối thủ, hãy tìm xem khách hàng của họ đang mong muốn điều gì và họ chưa đáp ứng được điều gì. Nếu bạn đáp ứng được điều đó chắc chắn bạn sẽ hơn họ một bậc.

Lên ý tưởng

Bước tiếp theo, sau khi đã tìm hiểu kĩ càng những thông tin cần thiết thì bạn phải lên những kế hoạch rõ ràng cho ý tưởng của mình. Chẳng hạn như bạn sẽ tổ chức một event hay một đợt khuyến mãi, với những mức giá hấp dẫn,... bạn sẽ chọn những hình ảnh bắt mắt hay video nào cuốn hút nhất. 

Trong quá trình lập ý tưởng, nếu có nảy ra bất kì tình huống không may nào có thể xảy ra thì bạn nên ghi nhận chúng, chuẩn bị sẵn biện pháp khắc phục phòng ngừa tình huống này thật sự xảy ra trong tương lai. Việc chuẩn bị trước như vậy sẽ giúp bạn không bị bối rối, đồng thời tạo thêm sự chuyên nghiệp.

Viết bài

Khi viết bài mua bán sản phẩm, việc trước tiên bạn cần phải làm được là thuyết phục. Nếu bạn không thể thuyết phục được người dùng rằng sản phẩm của bạn rất tốt, rất đáng sử dụng, tin dùng,... thì bạn đã thất bại rồi. Một bài viết không có sức thuyết phục sẽ khiến khách hàng dễ dàng quay lưng bỏ đi. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ gặp được vài người dễ tính mua hàng không đòi hỏi, nhưng liệu mọi chuyện có đơn giản như vậy khi ngoài kia có hàng trăm người kinh doanh cùng mặt hàng giống bạn?

Vậy để thể hiện được tính thuyết phục thì bạn cần phải làm gì?

Hãy trình bày những phản hồi tích cực từ những người dùng trước đây, hoặc cho khách hàng xem số liệu buôn bán của mặt hàng này, hoặc đưa ra các bằng khen, chứng chỉ được công nhận,... Đây là cách thông dụng nhất mà doanh nghiệp nào cũng sử dụng để thuyết phục khách hàng.

Tuy nhiên, đừng đưa ra quá nhiều “bằng chứng”, ông bà ta có câu “thứ gì nhiều quá cũng không tốt”. Nếu bạn quá nâng cao sản phẩm, người dùng sẽ cảm thấy nghi ngờ về độ tin cậy của các chứng cứ này, như vậy sẽ vừa mất sức lại không được gì. Hãy “khoe” một cách khôn ngoan, đủ để khiến người ta “thèm muốn”.

Đừng quên những quy tắc cơ bản khác khi viết bài. Nếu bạn chưa biết có thể xem thêm tại đây (link với bài viết cách thực hiện chiến lược nội dung để từ khóa lên top)


5 lời đồn về từ khóa mà bạn nên quên hết ngay đi

 Từ khóa là một thứ rất quan trọng trong SEO, nhưng lại có khá nhiều khái niệm sai lầm xoay quanh chúng. Vậy bây giờ chính là lúc để chúng ta làm sáng tỏ những khái niệm này.

Những khái niệm sai lầm phổ biến về từ khóa

1. On-site khớp với anchor text không mang lợi ích gì.

Laura Hogan đã chia sẻ một ví dụ về cách hoạt động của anchor text, làm cách nào để tăng thứ hạng tìm kiếm mà không cần phải xây dựng các backlinks.

Cụ thể trong trường hợp, nếu 24% tỉ lệ nhấp chuột đạt được đều đến từ một anchor text thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua tầm quan trọng của việc tối ưu hóa các anchor text trong nội dung bài viết.

Tuy nhiên, các anchor text cũng dễ dàng bị Google tính là spam, vậy nên đừng quá lạm dụng nó.

Mẹo: Hãy nghĩ đến các từ khóa mà bạn có thể tạo liên kết trong bài viết on-site, nếu từ khóa đó có thể liên kết với các bài viết khác thì đừng lo ngại gì cả, cứ chèn liên kết vào thôi.

2. Nghiên cứu từ khóa là lãng phí thời gian.

Thực chất, bỏ thời gian để nghiên cứu từ khóa là không bao giờ thừa cả, bởi cách bạn sử dụng từ khóa sẽ quyết định việc khách hàng có tìm đến thương hiệu bạn hay không.

Theo thống kê của Brandwatch, cứ mỗi một giây lại có 40.000 người tìm kiếm trên Google, đồng nghĩa với việc bạn phải tìm hiểu thật kĩ người dùng cần gì và muốn gì để có thể dễ dàng tiếp cận họ.

Chẳng hạn như họ tìm kiếm những thuật ngữ nào, bạn có chắc là bạn dùng đúng từ khóa không?

Hãy đảm bảo rằng bạn không mắc vào những lỗi phổ biến khi nghiên cứu từ khóa, tránh được các lỗi này sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời gian đồng thời đưa lối khách hàng đến website của bạn.

Mẹo: Nghiên cứu từ khóa chính là nền tảng cho các chiến lược. Hiểu được tâm lí người dùng sẽ giúp tăng thêm cơ hội tiếp cận họ.

3. Chỉ tập trung sử dụng các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất.

Đối với những bạn vừa làm quen với SEO, chắc hẳn các bạn sẽ nghĩ rằng từ khóa nào càng được nhiều người tìm kiếm càng tốt. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm hoặc dịch vụ, việc sử dụng từ khóa chung sẽ không mang lại nhiều hiệu quả mà còn tốn kém. Vậy nên đừng chỉ sử dụng các từ khóa quá chung hay quá cụ thể, hãy suy nghĩ khách hàng sẽ tìm kiếm cái gì và từ khóa nào sẽ giúp họ thấy được sản phẩm/dịch vụ của bạn. Họ sẽ đặt ra các câu hỏi nào?

Ví dụ: Khi bạn sử dụng từ khóa “Bàn phím”, lượng truy cập có thể cao nhưng khả năng mua hàng thấp vì có rất nhiều loại bàn phím khác nhau để khách hàng chọn lựa. Còn với từ khóa “Bàn phím Acer 4750”, lượng truy cập sẽ thấp hơn nhưng khả năng mua hàng cao hơn vì khách hàng đã định hình sẵn nhu cầu thương hiệu và dòng sản phẩm muốn mua.

Hãy viết nội dung thông minh, tối ưu hóa danh mục và các trang sản phẩm để tăng cơ hội hiển thị website đến các khách hàng tiềm năng.

Mẹo: sử dụng các từ khóa có thứ hạng tìm kiếm thấp có thể mang lại giá trị hiệu quả cao hơn các từ khóa có thứ hạng tìm kiếm cao.

4. Thẻ meta description không hề có giá trị.

Thẻ meta description là một đoạn văn ngắn mô tả nội dung website được hiển thị trên các công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo,…) và nó có thể ảnh hưởng đến quyết định của người dùng về việc có nhấp vào website của bạn hay không. Nó vừa phải mang tính mô tả, liên quan đến bài viết vừa phải cuốn hút.

Khi người dùng ngày nay có xu hướng chỉ đọc lướt qua các mô tả, chúng ta cần xem xét phải viết nội dung gì và tối ưu như thế nào để các thẻ meta hiển thị trên các công cụ tìm kiếm được cuốn hút hơn và dẫn dắt lượng truy cập nhiều hơn.

Mẹo: Hãy sử dụng các thẻ meta description như một phần của chiến dịch, chúng có giá trị giúp tăng thứ hạng đấy!

5. URL không cần chứa từ khóa hay phân cấp

Có hơn 46 tỷ page được index trên Google, đồng nghĩa với việc bạn có hàng trăm ngàn đối thủ ngoài kia.

Nếu bạn cho rằng URL không cần được tối ưu hóa thì bạn nên xem lại chiến lược của mình đi, khi mà cả người dùng và các công cụ tìm kiếm đều thích các URL ngắn gọn.

Một website có chứa các URL phân cấp sẽ được đánh giá cao hơn, thể hiện sự tổ chức và quản lí rõ ràng, tạo điều kiện nâng cao thứ hạng tìm kiếm.

Thử nghĩ nếu bạn là một người dùng, bạn sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy URL này?

Mẹo: Hãy bỏ những URL kém chất lượng đi, những URL đơn giản và ngắn gọn cũng tạo được rất nhiều thiện cảm đối với người dùng đấy.

Những điều cần nhớ

  • Nghĩ rộng hơn, đừng mãi gói gọn trong một chiếc hộp

  • Chèn anchor text vào nội dung on-site

  • Sử dụng các từ khóa có thứ hạng tìm kiếm thấp để đẩy doanh thu

  • Đặt từ khóa vào thẻ meta description

  • Sử dụng URL ngắn gọn và có hệ thống.

#từ khóa #kiến thức SEO


Cách phát triển nội dung cho website cung cấp dịch vụ

Đối với một website cung cấp dịch vụ việc quan trọng nhất chính là cho khách hàng thấy được chất lượng dịch vụ

Bạn đau đầu không biết nên viết bài gì để thu hút khách hàng đến website khi mà trang web của bạn bán dịch vụ chứ không bán sản phẩm. Ngoài giới thiệu dịch vụ thì bạn không còn chủ đề gì khác để viết cả, mà không có nội dung thì trang web của bạn lại không thực hiện SEO từ khóa được. Bạn cảm thấy bế tắc.

Vậy thì ngày hôm nay, tôi xin hướng dẫn cho bạn vài cách đơn giản để triển khai nội dung cho website, giúp cải thiện và thu hút khách hàng, đồng thời nâng cao chất lượng SEO.

Khi website của bạn bán dịch vụ, thì những chủ đề gì sẽ mang lại giá trị cho người xem?

Lợi ích dịch vụ, giá trị dịch vụ, khả năng mà dịch vụ mang lại,... với những điểm này thì bất kỳ website bán dịch vụ nào cũng sở hữu, vậy thì bạn cũng như hàng ngàn dịch vụ khác, không có gì đặc biệt cả. Cái khiến bạn đặc biệt là bạn cung cấp được thứ mà các dịch vụ khác không cung cấp được.

Dò xét đổi thủ

Đây là một trong những mánh khóe quan trọng để quyết định bạn có giỏi hơn đối thủ của mình hay không. Hãy đến website của những người cung cấp dịch vụ tương tự, tìm hiểu xem những điểm nào khách hàng hài lòng về họ và những điểm nào khách hàng không hài lòng về họ. Từ điểm này, chúng ta có thể rút được kinh nghiệm từ sai sót của đối thủ và tránh mắc phải những sai phạm này.

Đồng thời tìm kiếm những thắc mắc của khách hàng mà chưa được giải đáp. Lập một danh sách các thắc mắc của khách hàng và chọn những câu trả lời phù hợp đưa vào một bài viết. Khi đó bạn đã làm được cái mà đối thủ của bạn không làm được.

Bài viết giáo dục

Bên cạnh đó, thay vì những bài giới thiệu dịch vụ, bạn có thể cung cấp thêm những bài viết chia sẻ kiến thức về dịch vụ này theo nhiều thể loại khác nhau: thể loại hướng dẫn, thể loại lưu ý,...

Đối với thể loại hướng dẫn, về kiến thức thì luôn là một kho tàng rộng lớn, mỗi ngành nghề đều có độ sâu rộng của riêng nó. Việc quan trọng nhất bạn cần làm là tìm xem những chủ đề nào chưa được sử dụng, các dịch vụ khác chưa hề đề cập tới nhưng lại có nhiều người quan tâm. Khi bài viết của bạn “độc nhất vô nhị” thì lượt người xem cũng dần tăng theo, SEO sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Thể loại lưu ý cũng là một dạng kiến thức khác mà trong đó bạn nhấn mạnh cho người xem những điểm đặc biệt đáng quan tâm, có thể dễ dàng mắc phải. Khi họ cảm thấy bài viết của bạn có ích, thì lượng traffic sẽ tự nhiên mà tăng lên.

Tương tự, bạn có thể mở rộng thêm các bài viết bằng cách đưa ra các dịch vụ mới hơn bên cạnh các dịch vụ cũ. Chẳng hạn như dịch vụ nâng cấp, nâng cao hơn giá trị mà bạn có thể mang đến cho khách hàng hoặc những ưu đãi đặc biệt dành riêng cho những khách hàng thân quen.

Nói tóm lại, làm dịch vụ chính là làm hài lòng cho khách hàng, khi bạn mang lại được sự thỏa mãn mà khách hàng mong muốn, họ sẽ tự động tìm đến bạn mà thôi.


Cách phát triển nội dung cho website bán sản phẩm hữu hình

Để thu hút người tiêu dùng tìm đến website bán sản phẩm thì website đó cần phải có sự chuyên nghiệp, đẹp mắt, đáp ứng được tiêu chí người tiêu dùng. Vậy một website chuyên nghiệp cần phải có những yếu tố gì và chứa những nội dung nào?

Giao diện rõ ràng, thân thiện với người dùng

Đối với người mua hàng, ấn tượng đầu tiên khi vào website là rất quan trọng, vì thế bạn cần phải chọn bố cục sao cho phù hợp nhất, đồng thời mang màu sắc hài hòa không chói mắt người nhìn.

Đặc biệt, đừng quên nâng cấp giao diện thân thiện với điện thoại, bởi theo thống kê, hơn 80% lượng khách hàng mua hàng qua điện thoại. 

Nếu hệ thống của bạn không đáp ứng được vấn đề này, bạn nhất định sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng.

Nội dung bổ ích

Đối với một website bán sản phẩm, khi người dùng tìm đến, thì một là họ có nhu cầu mua sản phẩm, hai là họ có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm. Cho dù nhu cầu của họ có là gì đi chăng nữa thì bạn phải đảm bảo được rằng website của bạn đáp ứng được hết những vấn đề này.

Dựa trên những gì dịch vụ bạn cung cấp, website cần phải chứa tất cả những bài viết có liên quan nhằm giới thiệu rõ hơn về những sản phẩm này. Như vậy sẽ giúp người dùng có những kiến thức cần thiết về sản phẩm, từ đó dẫn đến quyết định có mua hay không mua sản phẩm.

Chẳng hạn như khi sản phẩm của bạn là điện thoại di động, khách hàng có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm về loại sản phẩm này, về thông tin, về tính năng, về giá cả sản phẩm,... Bạn phải đảm bảo rằng bài viết của bạn có tập hợp đủ những gì mà người dùng muốn biết. 

(hình ảnh từ consumer.huawei.com)

Bên cạnh đó, bạn có thể viết thêm vài bài viết riêng đi sâu vào các chủ đề liên quan đến loại sản phẩm này.

Chẳng hạn như bạn có thể viết bài về: đánh giá sản phẩm. Ở đây, bạn sẽ cho người dùng biết điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm. Tuy nhiên, kỹ năng viết khéo léo cũng là rất quan trọng, bởi điểm này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua hàng của người dùng.

Hoặc bạn có thể viết bài so sánh sản phẩm. Dựa vào một loại sản phẩm từ thương hiệu khác ra mắt cùng thời điểm, bạn có thể cho khách hàng thấy được vì sao họ nên mua sản phẩm của bạn, nó có gì tốt hơn so với các sản phẩm khác. 

Bài viết này là một trong những đòn tâm lý rất mạnh đối với những khách hàng đang phân vân giữa hai loại sản phẩm. Lời lẽ của bạn sẽ ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của họ.

Tương tự, bạn cũng có thể viết thêm những bài viết về lưu ý, nâng cấp,... Vừa đưa ra những dịch vụ hỗ trợ, vừa đưa ra những kiến thức cần thiết cho khách hàng có nhu cầu.

Đó là tất cả những gì quan trọng nhất. Chúc các bạn thành công!


Cách thực hiện chiến lược nội dung để từ khóa lên top

Đối với những người làm trong lĩnh vực marketing thì chắc hẳn từ khóa đã là một thứ quá quen thuộc. Tuy nhiên, để có thể nắm rõ được cách thức sử dụng và tìm kiếm từ khóa tốt nhất thì không phải ai cũng biết. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ cho các bạn về chiến lược nội dung giúp đưa từ khóa lên top.

Việc đầu tiên, mặc dù nó đã từng được nhắc đến rất nhiều lần trước đây rồi nhưng tôi vẫn cần phải nhắc lại lần nữa vì tầm quan trọng của nó. Đó là nghiên cứu từ khóa.

Trước khi bắt tay vào viết bài bạn cần phải biết rõ bạn đang viết về gì, từ khóa nào là quan trọng và bạn cần phải lặp lại từ khóa đó bao nhiêu lần trong bài viết. Một chiến lược nội dung nếu muốn thành công thì nhất định phải thực hiện được bước này.



Nếu bạn chưa biết phải nghiên cứu từ khóa như thế nào thì bạn có thể tham khảo qua các bài viết này: Nghiên cứu từ khoá và phân tích sự cạnh tranh để làm SEO hiệu quả hoặc Nghiên cứu từ khoá bằng những cảm hứng mới

Bước kế đến bạn cần tìm hiểu về đối thủ của mình. Tìm xem những bài viết của họ là gì? Họ viết như thế nào? Nếu có những bình luận thắc mắc mà chưa được giải đáp thì phải ghi chú lại ngay lập tức, bởi đó chính là thứ mà người dùng cần nhưng đối thủ vẫn chưa đáp ứng được. 

Khi viết content, bài viết của bạn chỉ trở nên cuốn hút hơn khi bạn sở hữu những thứ mà đối thủ của bạn không có. Những thứ mang lại kiến thức bổ ích mà người dùng thấy rằng họ không hề phung phí thời gian khi đọc bài viết của bạn. Hoặc nếu không tìm được thông tin nào mới thì bạn có thể thêm vào những mẩu chuyện nhỏ, nhằm gây thêm sự thu hút, giúp người đọc cảm thấy thoải mái hơn.

Tránh tuyệt đối việc sao chép từ các bài viết khác làm bài viết của mình. Như bạn đã biết, thuật toán của Google rất thông minh, chúng có thể tìm chính xác đoạn văn bản đó được sao chép từ đâu. Và điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tính điểm của Google. Nếu bạn không muốn lọt vào danh sách đen thì bạn nên hạn chế việc này.



Không nên đánh lừa người dùng bằng cách phóng đại chức năng sản phẩm, sử dụng các sản phẩm giả, đưa ra thông tin sai lệch,... nhằm mục đích thu hút người tiêu dùng. Có thể lúc đầu sẽ rất nhiều người tìm đến vì những thông tin hấp dẫn mà bạn đưa ra, tuy nhiên, bạn biết đấy không ai muốn mình bị lừa cả. Khi họ nhận ra những gì bạn viết chỉ là địa đặt, họ sẽ cảm thấy tức giận và bắt đầu tuyên truyền tẩy chay sản phẩm của bạn. Niềm tin là thứ rất khó để xây dựng, và một khi bạn đã đánh mất nó, bạn mất tất cả!



Đặc biệt bạn nên kiểm tra thật kĩ các lỗi chính tả và lỗi sử dụng câu. Dù đây là những lỗi cơ bản nhưng đến 90% các bài viết đều mắc ít nhất từ một đến hai lỗi nhỏ về chính tả. Đối với những người dùng khó tính, họ sẽ có cảm giác người làm dịch vụ không tỉ mỉ, rất cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp. Với lý do này, bạn có thể đã bỏ lỡ mất nhiều khách hàng tiềm năng rồi đấy.



Và còn một việc quan trọng không thể quên đó là tính mật độ từ khóa. Việc phân bố mật độ từ khóa sẽ giúp bài viết dễ dàng xuất hiện hơn khi người dùng tìm kiếm, đồng thời kiểm soát được mật độ từ khóa sẽ tránh việc bị Google trừ điểm vì spam.

Từ khóa chính của bài viết bắt buộc phải xuất hiện trong thẻ H1 và nên có khoảng hai từ khóa liên quan trong thẻ meta H2. Từ khóa cần chiếm từ 1,5 - 2% trong toàn bài viết. Để tính được mật độ từ khóa, bạn có thể làm theo công thức như sau:

(Số lần lặp từ khóa * số chữ trong từ khóa) / tổng số chữ trong bài viết

Nhưng ý tưởng không phải lúc nào cũng có, và nội dung không phải cứ mãi dồi dào. Khi viết quá nhiều bài viết cho một chủ đề chắc chắn bạn sẽ dần bị cạn kiệt “tài nguyên”, bế tắc không biết phải viết gì tiếp theo. Lúc này việc bạn nên làm là tối ưu nội dung cũ.

Có những nội dung trước đây rất thu hút, nhưng so với thời điểm hiện tại nó không còn phù hợp nữa. Những bài viết như vậy cần được tối ưu sao cho chúng vẫn có sức hút, đồng thời “tiết kiệm” được chất xám dành cho các bài viết mới.

Vậy làm sao để biết được những bài viết nào là cần tối ưu?

Thông thường, bạn nên thực hiện việc tối ưu hóa nội dung theo chu kì 3 tháng, các bài viết lúc này không quá cũ cũng chưa hoàn toàn lỗi thời. 

Đầu tiên bạn vào website của mình, xem pageviews tất cả các bài viết trong thời gian 3 tháng gần nhất bằng Google Analytics. 

Chọn lọc ra các bài viết có tỷ lệ lượt xem cao nhất sau đó đọc lại và so sánh các bài viết này với thời điểm hiện tại, tìm ra những điểm không còn phù hợp và sửa đổi chúng.

Như vậy bạn vẫn có thể thu hút được lượt xem từ những bài viết cũ, đồng thời được Google đánh giá cao hơn, giúp ích cho việc tăng thứ hạng tìm kiếm.

Với những gì tôi chia sẻ trên, hi vọng sẽ giúp ích được phần nào cho các bạn còn đang gặp khó khăn trong vấn đề này.